“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”
Hàng năm mỗi dịp tháng 3 về, hàng triệu người Việt Nam thuộc các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” lại nô nức về với đất Tổ để dâng hương tại Đền Hùng nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân đến Tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc và cầu mong bình an, sức khỏe cùng những điều tốt đẹp. Để tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồi” tốt đẹp của dân tộc ta, Công ty TNHH Vaude Việt Nam đã tổ chức cho CBCNV một chuyến hành hương đầy ý nghĩa: về với đất Tổ, về với cội nguồn, hướng về nơi tôn vinh chiến công, công sức dựng nước của mười tám vị vua Hùng.
05h00 sáng ngày 31/03/2024, hơn 300 CBCNV đã có mặt tại trụ sở Công ty ở thị xã Bỉm Sơn – Thanh Hóa, ổn định chỗ ngồi và sẵn sàng cho một chuyến đi thật thú vị. Đúng 05h30 đoàn tham quan gồm 10 xe cùng xuất phát hướng về đất Tổ.
Quãng đường từ Thanh Hóa tới Phú Thọ kéo dài tới hơn 300km nhưng không cản nổi tinh thần của CBCNV, ai cũng vô cùng phấn khởi và rạo rực chờ mong giây phút được đặt chân lên đất Tổ.
Sau hơn 5h đồng hồ di chuyển, 11h00 đoàn đã có mặt tại đền Hùng – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Đền Hùng nằm trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu ngày nay là xã Hy Cương thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Mở ra trước mắt đoàn tham quan là cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình.
Thời tiết Phú Thọ thật chiều lòng du khách với không khí mát mẻ và dễ chịu. Đón đoàn có chị hướng dẫn viên xinh đẹp trong tà áo dài truyền thống. Bằng những hiểu biết sâu sắc của mình, Chị đã giúp CBCNV hiểu thêm về trang lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Quần thể di tích Đền Hùng nằm trọn từ chân núi đến đỉnh núi của ngọn núi Nghĩa Lĩnh với độ cao hơn 175 mét, gồm có 05 đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và khu lăng mộ của vua Hùng. Điểm đầu tiên khi đến với Đền Hùng đó chính là Đại Môn hay còn gọi là cổng đền. Đại Môn được xây dựng vào năm 1917, cao 8,5 mét với kiểu vòm uốn, gồm hai tầng mái. Ở bốn góc tầng mái, bên trên được trang trí hình rồng và hình hai con nghê đắp nổi. Cùng với đó, nếu bên trái cổng đền là hình rồng thì phía bên dưới cổng, trên bức tường đó chính là bức phù điêu hai võ sĩ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Qua Đại Môn, đi khoảng 225 bậc thang bằng đá là đền Hạ. Đền Hạ được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVII – XVIII với lối kiến trúc chữ nhị, gồm Tiền bái và Hậu cung. Tương truyền, đây chính là nơi Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng và về sau nở ra 100 người con – nguồn gốc của những người con đất Việt.
Từ đền Hạ, đi thêm 168 bậc nữa sẽ đến đền Trung, còn có tên là Hùng Vương Tổ Miếu. Được xây dựng vào thời Lý – Trần, đền Trung là nơi vua Hùng cùng các quan họp bàn việc nước và ngắm cảnh núi non. Đồng thời, tương truyền đây cũng là nơi Lang Liêu đã dâng bánh cho vua cha và được vua cha truyền lại ngôi báu.
Sau đền Trung chính là đền Thượng. Đền Thượng còn được gọi với cái tên chữ là Kính Thiên Lĩnh Diện - xây dựng vào khoảng thế kỉ XV với quy mô lớn. Theo tương truyền, đây chính là nơi Vua Hùng thường lên để tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thờ trời đất,… với mong muốn sẽ có một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt và cuộc sống thêm phần hưng thịnh, ấm no. Thêm vào đó, sau khi ghé thăm đền Thượng, chắc hẳn không thể nào không ghé tới lăng của các vị vua Hùng. Theo những truyền thuyết hiện còn lưu lại, đây chính là lăng của vị vua Hùng thứ 6, lăng nằm ở phía đông của đền Thượng, mặt lăng quay theo hướng đông nam.
Thêm vào đó, nhắc tới Đền Hùng không thể nào không nhắc tới quần thể đền Giếng. Đền Giếng được xây dựng vào thế kỉ XVIII, tương truyền, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của đời vua Hùng thứ mười tám) thường soi gương và buộc tóc khi theo cha đi công tác qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và điều chế nước nên người dân đã lập đền thờ tại đây
Đến Đền Hùng ngày nay, du khách thập phương không chỉ thắp hương tri ân công đức các vua Hùng mà còn được thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đền được xây dựng năm 2009 tại đồi Sim (cách núi nghĩa Lĩnh 1km), nơi có vị thế trắc địa, có thế sơn chầu thủy tụ. Đồi Sim có hình thế giống 1 con rùa lớn, hai bên có thanh long, bạch hổ, phía trước có hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển.
Chuyến tham quan Đền Hùng quả thực là một hành trình trải nghiệm tuyệt vời và đầy thú vị. Một hành trình trải nghiệm không chỉ có cảnh đẹp hùng vĩ mà còn có sự chuẩn bị chu đáo từ Ban lãnh đạo công ty. Trước ngày CBCNV tham quan di tích Đền Hùng, Ban lãnh đạo đã có mặt tại nơi đây để tiền trạm trước và đặt bữa ăn trưa cho toàn đoàn tham quan. Anh, chị em trong đoàn xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Công ty. Chúc Ban lãnh đạo Công ty luôn luôn mạnh khỏe để chèo lái con thuyền Vaude đạt được những thành tựu mới trong sản xuất kinh doanh.
Cảnh đất Tổ hùng vĩ, người đất Tổ hiền hậu dễ mến đã níu chân du khách Vaude. Sau khi tham quan Đền Hùng, thành viên trong đoàn ai cũng đều cảm thấy tự hào vì dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong trái tim mình và cũng tự hào vì là con dân Đất Việt, con cháu Rồng Tiên, tự hào khẳng định với bạn bè năm châu: "Đất nước tôi, đất nước của những trang lịch sử hào hùng, đất nước của vua Hùng Đại Việt sẽ tồn tại và bền vững mãi".